Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2011

TÔI CỐ GẮNG TRỞ THÀNH MỘT CÔNG TỐ VIÊN GIỎI

TT - Đôi mắt nhìn xa xăm, ngoại kể tôi là kết quả của một tình yêu
không trọn vẹn. Mẹ tôi xinh đẹp, vì đam mê cải lương nên đã đi theo
đoàn hát. Thế rồi một ngày kia mẹ trở về với cái bào thai trong bụng.
Vài tháng sau mẹ sinh ra một bé trai, cứ nghĩ rằng khi sinh được em bé
mẹ tôi sẽ hết buồn, thế nhưng...


Hôm đó trời mưa rất lớn, mẹ tôi đã từ giã cuộc đời khi tuổi còn rất
trẻ. Tôi chưa đầy ba tháng tuổi, chưa kịp nhận biết mặt mẹ mình như
thế nào. Mẹ tìm cái chết để giải thoát cuộc đời, nhưng mẹ có biết trên
đời này còn có đứa con nhỏ bé của mẹ phải gánh chịu tiếp nỗi khổ đau
của mẹ, thậm chí còn hơn thế nữa!

Tôi lớn lên nhờ những tô nước cơm của ngoại và một phần sữa mẹ của
thằng bạn tôi. Bác Ba, người hàng xóm tốt bụng, cho tôi bú thép. Khi
tôi được gần 2 tuổi thì người em kế mẹ tôi có gia đình và nhận tôi về
nuôi, cho tôi có giấy khai sinh, có mẹ, có cha đầy đủ như bao nhiêu
đứa trẻ khác. Cho đến sau này, tôi mới hiểu được tại sao người ta
thường gọi tôi là "thằng Chia".

Tôi được đến trường như bao nhiêu đứa trẻ khác, chỉ khác một điều là
nhà tôi rất nghèo, bạn thân nhất của tôi là những con trâu. Ngày ông
ngoại đuổi gia đình tôi đi, ba mẹ dắt tôi ra chuồng trâu ở. Khi tôi
học lớp 2, 4 giờ sáng đã phải dậy tưới cả rẫy bắp hoặc bí đỏ tùy theo
mùa... rồi cắt bông bí đi bán, giữ em, nấu cơm...

Đi học về tôi phải đi chăn trâu, lúc đó tôi cũng chưa nghĩ gì nhiều về
số phận của mình, cứ nghĩ vì nhà nghèo, mình làm anh lớn nên phải vậy.
Nhưng thời gian trôi qua tôi dần lớn lên và cảm nhận được một điều là
bị ba đối xử như người xa lạ, không ngày nào tôi không bị đòn và mỗi
bữa cơm của tôi đều có chan nước mắt. Hình như trong mắt ba tôi là cái
gai khó chịu.

Không điều gì có thể che giấu mãi, nhưng sự thật đến với tôi thật bất
ngờ và tàn nhẫn. Tôi đang ngủ trưa, tiếng cãi vã của ba mẹ làm tôi
thức giấc. Ba muốn tôi nghỉ học đi làm kiếm tiền nuôi tiếp bốn đứa em,
nhưng mẹ không chịu, muốn tôi được học tiếp. Nếu mọi chuyện chỉ dừng
lại ở đó thì đã không có gì, nhưng một câu nói của ba làm tôi run bắn
cả người. "Nó không phải con tôi tại sao tôi phải lo cho nó!?". Trời
ơi, sự thật lại là như vậy sao? Tôi vẫn nằm im mà hai hàng nước mắt
tuôn chảy tự bao giờ.

Tôi quyết định ra đi để không còn là gánh nặng cho mọi người. Năm đó
tôi đang học lớp 8. Bạn bè mỗi đứa một ít cho tôi được 40.000 đồng,
tôi đón xe đi Sài Gòn, nhưng ra đi để rồi lại trở về sau những đêm
lang thang không mái nhà, không biết làm gì để sống. Những ngọn roi
của ba chỉ dừng lại khi mẹ tôi la lên: "Ông đánh cho chết nó đi!". Câu
nói đầu tiên của ba tôi là: "Tội của mày đáng để tao đập đầu thả trôi
sông". Phải, nếu có thể chết được tôi cũng mong mình được chết, nhưng
tôi không thể chết, tôi còn phải biết mình là ai và tại sao cuộc đời
mình lại như thế.

Tôi cố gắng làm bất cứ việc gì người ta thuê mướn: đội cát, vác
ximăng, bốc vác ở kho gạo... để có tiền đi học. Ba tôi nói: "Tướng của
mày sau này chỉ đi ăn xin hay ăn cướp thôi chứ học hành làm gì". Tôi
đau lòng lắm, thề sẽ có một ngày chứng minh cho mọi người thấy những
gì người ta làm được tôi cũng sẽ làm được...

Khi lên lớp 10, căng thẳng giữa tôi và ba ngày càng nhiều hơn. Tôi
quyết định xin ở nhờ nhà của Xuân Thắng, lớp trưởng cũng là bạn thân
của tôi, rồi lại ở nhà thằng Trường, bạn học. Thi tốt nghiệp xong, tôi
từ giã bạn bè quyết định trở lại Sài Gòn lần nữa, với lời thề lần này
ra đi nếu không lập được sự nghiệp sẽ không trở về.

Tôi xin vào làm công nhân ở Khu chế xuất Tân Thuận, đồng thời nộp hồ
sơ thi Trường đại học Luật TP.HCM và Trường cao đẳng Sân khấu - điện
ảnh, hai niềm đam mê của tôi. Buổi tối tôi đạp xe đến các nhà sách tìm
tài liệu để đọc, miệt mài cho đến ngày thi. Ngày tôi đi thi chỉ có một
mình cùng chiếc xe đạp cọc cạch.

Nhìn mọi người xung quanh ai cũng có người thân bên cạnh, còn tôi bơ
vơ một mình. Càng đau xót bao nhiêu tôi càng cố gắng bấy nhiêu. Tôi
tin là mẹ luôn ở bên cạnh và luôn phù hộ tôi... Khi nhìn kết quả công
bố tôi đậu Đại học Luật TP.HCM, tôi không biết mình đang mơ hay đang
tỉnh. Tôi đứng nhìn và nhìn mãi, rồi lặng lẽ mỉm cười, lên xe chạy một
mạch về phòng thưởng cho mình một giấc ngủ thật ngon.

Tin tôi đậu đại học được gửi về nhà. Rồi một buổi tối tôi trở về, thấy
mẹ tôi khóc, ba tôi không nói gì nhưng tôi biết ông ấy cũng vui lắm!
Mọi người bắt cá làm đồ ăn rất ngon đãi tôi. Tôi bắt đầu cuộc đời sinh
viên. Học đại cương ở Thủ Đức, không thể đi làm được nên bao nhiêu
tiền dành dụm trước đây tôi đã tiêu xài hết. Nhưng tôi không bỏ cuộc,
cuối tuần đạp xe đến các công trình xây dựng xin làm phụ hồ, cứ thế
tôi cố gắng hết một học kỳ. Khi trường chuyển vào quận 4 tôi yên tâm
hơn.

Tôi xin vào làm cho quán bar Em và Tôi, và thật bất ngờ tôi gặp lại
Xuân Thắng, làm sao kể hết những buồn vui. Thắng cũng thi đậu đại học
và đang đi học. Tôi dời phòng trọ về ở chung với Thắng. Công việc ở
quán bar thức khuya làm tôi mệt mỏi, Xuân Thắng và tôi cùng xin qua
bán hàng cho Vina Giày. Món ăn chính của tôi vẫn chỉ là mì gói, cá hộp
và hột vịt. Có lần tôi và Xuân Thắng đi làm về đã hơn 23 giờ, đói bụng
nhưng trong túi chỉ còn 2.000 đồng, ghé vào quán cháo trắng ven đường,
hỏi mua hai chén cháo không, chan nước mắm vào ăn cũng qua cơn đói
bụng.

Một lần Kim Ngân, người yêu đầu đời của tôi, đến tìm, lúc đó tôi cũng
vừa đi học về đang dọn cơm ra ăn. Nhìn vào mâm cơm của tôi cô ấy bật
khóc quay đi, tôi chạy theo hỏi tại sao. Cô ấy nói không thể chịu nổi
khi thấy cuộc sống của tôi như thế mà không thể lo được cho tôi, vì
Ngân cũng rất nghèo.

Khi tôi bước vào học kỳ cuối, bài học rất nhiều, không thể làm thêm
được nhiều nữa. Tôi đến tiệm sửa chữa điện tử của chú Thắng ở đầu ngã
tư Tôn Đản - Đoàn Văn Bơ: "Chú bảo con làm gì cũng được, chỉ cần chú
cho con ăn cơm". Thế là tôi được nương nhờ những bữa cơm của chú Thắng
đến khi tốt nghiệp.

Nhận bằng xong dù bạn bè đều khuyên tôi ở TP.HCM, nhưng tôi muốn quay
về quê để thực hiện lời hứa ngày xưa. Ngày trước tôi học luật để mong
mình trở thành một luật sư giỏi, giúp đỡ những người gặp phải hoàn
cảnh như tôi, những kẻ nghèo thường bị người ta ăn hiếp. Giờ đây tôi
đi làm đã được năm năm. Tôi đang cố gắng trở thành một công tố viên
thật giỏi để có thể làm được điều mình mơ ước.

ĐINH THANH TÂM
(Viện Kiểm sát nhân dân huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp)


( Theo tuoitre online)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét